Thương vụ SMBC-FE Credit được coi là một lời khẳng định cho sức hút thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.
Ngày 28/10 vừa qua, VPBank thông báo đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn. Như vậy, sau 6 tháng kể từ ngày hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng vốn vào tháng 4 vừa qua, hai bên đã hoàn thành các bước và thủ tục cần thiết để SMBCCF chính thức nắm giữ 49% vốn điều lệ tại FE Credit.
“Hoạt động của FE Credit chính thức bước sang một chương mới, với sự hậu thuẫn của tập đoàn SMBC, một trong ba tập đoàn tài chính lớn nhất tại Nhật Bản. Đặc biệt, kinh nghiệm của SMBCCF tại Nhật Bản và các nước đang phát triển trong khu vực châu Á sẽ là những đóng góp quý báu cho FE Credit trong những bước phát triển tiếp theo”, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank chia sẻ.
Vốn ngoại dồn dập vào các công ty tài chính Việt
Thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử ngành tài chính Việt Nam giữa SMBC với FE Credit phản ánh mối quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư ngoại với thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Bất chấp đà tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại trong những năm gần đây và tác động tiêu cực của dịch COVID-19, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn tỏ ra đầy hấp dẫn với hàng loạt những thương vụ bán vốn lớn.
Cuối tháng 8/2021, Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) – thành viên của Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) cho biết đã đạt được thoả thuận nhận chuyển nhượng 100% vốn tại SHB Finance, công ty con thuộc ngân hàng SHB.
Theo đó, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng nốt 50% cổ phần còn lại sau 3 năm. Số tiền Kruingsi đã chi ra để thâu tóm SHB Finance ước tính khoảng 156 triệu USD, tương đương 3.600 tỉ đồng.
Trước đó, năm 2018, Techcombank đã bán 100% vốn tại Techcom Finance cho Lotte Card (Hàn Quốc) với giá 75,6 triệu USD (khoảng 1.700 tỉ đồng). Năm 2017, MBBank cũng ghi nhận khoản lợi nhuận 615 tỉ đồng từ thương vụ bán 50% cổ phần Mcredit cho đối tác Nhật Bản Shinsei Bank (49%) và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Xuân Thành (1%).
Xa hơn nữa, cuối năm 2014, Credit Saison – thành viên của Mizuho đã mua 49% cổ phần HD Finance (nay là HD Saison) từ HDBank. Giá trị thương vụ rơi vào khoảng 833,2 tỉ đồng.
Sức nóng của thị trường còn thể hiện ở những thương vụ đang được xúc tiến như việc tập đoàn việc Tập đoàn Srisawad (Thái Lan) đã đề nghị mua lại Công ty Tài chính ALC I của Agribank đang thua lỗ nặng hay thậm chí các nhà đầu tư ngoại tự sang tay cho nhau trong thương vụ Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam mua lại 100% Công ty Tài chính Prudential Việt Nam.
Cú hích đưa thị trường lên tầm cao mới
Theo các chuyên gia, có hai yếu tố chính nằm ở cơ cấu dân số trẻ và thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh. Quy mô dân số Việt Nam hiện đạt hơn 98 triệu người, với dân số trẻ ở độ tuổi trung bình 32,9 tuổi. Bất chấp những khó khăn trong đại dịch COVID-19, dư nợ cho vay tiêu dùng vẫn tăng trưởng khoảng 10,7% trong năm 2020, đạt hơn 1,86 triệu tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2012.
Sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường tài chính tiêu dùng có thể nhìn thấy rõ qua những thành tựu mà FE Credit đã đạt được. Trong 10 năm, FE Credit đã phục vụ hơn 12 triệu khách hàng, tương đương khoảng 50% số người trưởng thành của Việt Nam. Trong đó có hơn 4 triệu khách hàng thường xuyên sử dụng các dịch vụ vay tiêu dùng. FE Credit có gần 10.000 đối tác chiến lược và sở hữu gần 20.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc.
Ông Kalidas Ghose, Tổng Giám đốc FE Credit, nhận định, dư địa phát triển thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam mới chiếm 20% tổng dư nợ nền kinh tế trong khi tại các quốc gia phát triển, con số này sẽ từ 40-50%.
Tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, quy mô cho vay tiêu dùng cũng ở mức 34% tổng dư nợ. Tiềm năng FE Credit không chỉ dừng lại ở con số 12 triệu khách hàng như hiện nay, mà còn có thể phát triển lên 20 – 25 triệu khách hàng trong 4 – 5 năm tới.
Mặt khác, ở chiều ngược lại, tốc độ tăng trưởng thị trường tài chính tiêu dùng chậm lại trong vài năm qua cũng phản ánh những thách thức mà ngành này đang gặp phải. Thị trường tiềm năng, song để có thể khai thác tối đa tiềm năng đó đòi hỏi các doanh nghiệp trong cuộc đưa ra những phương thức mới.
Theo ông Kalidas, thị trường phát triển rất nhanh khiến hành vi của người tiêu dùng cũng thay đổi, thu nhập được cải thiện từng ngày, đòi hỏi doanh nghiệp này cũng phải bắt kịp nhu cầu thông qua đa dạng sản phẩm, dịch vụ và làm giàu hệ sinh thái tài chính số.
“Phân khúc khách hàng FE Credit phục vụ là phân khúc đại chúng và đang chiếm khoảng 60% dân số tại Việt Nam. Đây cũng là phân khúc đóng vai trò chủ chốt vào sự chuyển đổi số ở Việt Nam. Họ muốn được tiếp cận những dịch vụ tài chính nhanh nhất, dễ nhất bằng những công nghệ tiên tiến và linh hoạt”, ông Kalidas chia sẻ. Đó chính là lý do từ vài năm trước FE Credit đã xây dựng được một nền tảng số hóa cho vay, sử dụng lõi kỹ thuật số hiện đại và tiên tiến nhằm cung cấp những dịch vụ xuyên suốt và nhanh nhất có thể cho khách hàng.
Sự tham gia của đối tác ngoại như SMBC được xem là bước đi phù hợp giúp FE Credit nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng mới. FE Credit có thể hưởng lợi lớn từ hệ sinh thái của SMBC – vốn đã được phát triển hoàn thiện và kiểm định thành công ở nhiều thị trường khác nhau.
Ngay tại Đông Nam Á, SMBC đã gặt hái thành công tại Indonesia với ngân hàng BTPN. Hiện BTPN là định chế tài chính lớn tại Indonesia, cung cấp đầy đủ hoạt động từ quản lý tài sản, ngân hàng số, cho vay tiêu dùng, vay mua ô tô, chứng khoán tới cho thuê tài chính.
Ông Ryohei Kaneko, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC đánh giá, sự cộng hưởng cho hợp tác giữa SMBC và FE Credit có thể sẽ thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái số hóa hiệu quả hơn, đáp ứng tốt nhất hành trình của khách hàng, phục vụ cho đời sống cá nhân của họ chỉ trong một thiết bị cầm tay.
“Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh Covid và đang trong quá trình hồi phục, song vẫn còn có nhiều thách thức đối với tài chính tiêu dùng. Mặc dù vậy, tôi tin rằng sự kết hợp giữa hai bên sẽ giúp chúng ta thể vượt qua những thách thức và là ‘cú hích’ đưa FE Credit lên một tầm cao mới”, đại diện SMBC chia sẻ.
Các bạn đọc có thắc mắc vui lòng để lại bình luận bên dưới, Ngô Bá Hưng sẽ phản hồi thông tin đến các bạn sớm nhất có thể. Đừng quên cùng Ngô Bá Hưng theo dõi những Tin Tức M&A hấp dẫn và hữu ích nhé!