Một thương vụ M&A dẫu hoàn tất nhưng chưa hẳn gọi là thành công. Bởi giai đoạn “hậu M&A”tiếp tục đặt ra các thách thức về việc lựa chọn kế thừa, phát triển hay thay đổi trong quản trị công ty/thương hiệu được mua bán hoặc sáp nhập.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thái Phiên – Phó tổng giám đốc NovaGroup, một tập đoàn đã có nhiều thương vụ M&A trong tiến trình tái cấu trúc để trở thành một tổ hợp kinh tế đa ngành nghề trong thời gian qua.
Sau M&A, Doanh Nghiệp Sẽ Là Một “Cơ Thể” Mới, Cần Có Những Đáp Ứng Tối Thiểu Về Quản Trị
Thưa ông, là một người có nhiều kinh nghiệm về M&A và trực tiếp thương thảo nhiều thương vụ cho NovaGroup, ông nhận xét như thế nào về thị trường M&A Việt Nam thời gian vừa qua?
Ông Nguyễn Thái Phiên – Phó tổng giám đốc NovaGroup: Trong suốt hơn 30 năm qua, thị trường M&A tại Việt Nam bắt đầu từ con số 0 và đã tăng trưởng nhanh, mạnh mẽ và ngày càng chuyên nghiệp hơn cùng với sự phát triển và hội nhập kinh tế của đất nước.
Thực tế thì bất kỳ thương vụ M&A nào cũng đều có yếu tố thành công và thất bại. Trong giai đoạn rà soát các cơ hội để tiến hành và hoàn tất giao dịch M&A, nhà đầu tư cũng như các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp có thể đã tìm hiểu rất nhiều và rất kỹ về toàn bộ thông tin cũng như thực hiện các đánh giá, thẩm định chuyên môn cẩn trọng về pháp lý, tài chính, thuế, v.v. của công ty mục tiêu, nhưng khi giao dịch M&A này được hoàn tất, các rủi ro và hậu quả không mong muốn hoặc tiềm ẩn vẫn có thể phát sinh.
Điều này xuất phát từ thách thức liên quan đến việc lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp và chiến lược tối ưu để phát triển công ty mục tiêu hậu M&A. Cụ thể, công ty mục tiêu sẽ gặp khó khăn trong việc thích ứng với các mô hình về quản trị, hình thái văn hóa, chất lượng nguồn nhân lực mới được áp dụng bởi nhà đầu tư. Nếu sự thay đổi này theo hướng tích cực, ta có thể gọi đó là thành công, còn theo hướng tiêu cực, ta có thể coi đó là thất bại. Điều này đôi khi phải mất rất nhiều thời gian mới minh định được.
Khi đã mua bán thành công mà không phát triển thương hiệu lên được, thì không thể đổ lỗi cho bất kỳ yếu tố nào tác động, mà là do trình độ quản trị của mình chưa đạt?
Nhận định này đúng một phần vì quá trình M&A đòi hỏi nhà đầu tư phải có tầm nhìn, kỹ năng quản trị và cả chiến lược đầu tư hiệu quả cho công ty mục tiêu hậu M&A. Ở đây tôi xin nhấn mạnh rằng, một thương hiệu được phát triển mạnh mẽ hậu M&A mới chính là câu trả lời cho giao dịch M&A trước đó có thành công hay không. Vì vậy, khi một thương hiệu hậu M&A không phát triển được là bởi rất nhiều yếu tố, trong đó bao gồm cả việc xác định sai chiến lược M&A ngay từ giai đoạn đầu.
Gió Đảo Chiều: Doanh Nghiệp Việt Làm Chủ Cuộc Chơi
Nếu như trước đây, trong “cuộc chơi” M&A, thế mạnh nghiêng về các công ty, tập đoàn nước ngoài khi họ nắm vai trò là người thâu tóm và doanh nghiệp Việt thường ở “chiếu dưới”, bị mua. Nhưng nay, có vẻ gió đã đổi chiều. Nhiều doanh nghiệp Việt đã ở thế “cá lớn”, người Việt đã làm chủ cuộc chơi cam go và khốc liệt này…
Chúng ta phải nhìn nhận đúng thực tế là cho đến tận năm 2019 – 2020, thị trường M&A tại Việt Nam vẫn được dẫn đầu bởi các nhà đầu tư ngoại, trong đó tập trung vào 4 quốc gia là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore.
Tuy nhiên, cũng trong cùng giai đoạn này, các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực thực hiện các thương vụ M&A với quy mô, độ phức tạp và giá trị cũng rất lớn. Điển hình là các thương vụ M&A của Masan, Vingroup, Vinamilk, Gelex, REE, Thaco, PAN Group…
Điều này có thể minh chứng ý kiến của bạn, doanh nghiệp Việt đã bắt đầu làm chủ cuộc chơi tại chính thị trường của mình.
Vậy NovaGroup thì sao, ông có thể “tiết lộ”?
Bản thân NovaGroup cũng không ngoại lệ và chúng tôi đã tiến hành, đạt được thành công đối với nhiều thương vụ M&A. Hoạt động này sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển trong thời gian tới. Bức tranh toàn cảnh về một hệ sinh thái toàn diện và độc đáo của NovaGroup sẽ được sớm công bố.
Tại Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có nhận định, trong hoạt động M&A 2020, giá trị M&A tuy có suy giảm nhưng vẫn có nhiều thương vụ đáng chú ý, tạo nền tảng cho sự bứt phá mạnh mẽ hơn trong giai đoạn 2021-2022. Bộ trưởng cũng dự báo, sau COVID-19, hoạt động M&A sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn.Ông suy nghĩ như thế nào về thị trường M&A trong năm tới, thưa ông?
Cộng đồng tài chính – đầu tư và doanh nghiệp nói chung đều đồng tình với nhận xét của Bộ trưởng. Trong “nguy” có “cơ”, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải biết mình muốn gì và cần có một tầm nhìn dài hơi ít nhất là 5 – 10 năm.
Như với NovaGroup, sau các thương vụ M&A được thực hiện trong thời gian qua, chúng tôi tập trung vào quá trình tái cấu trúc và hòa hợp giữa các mô hình quản trị và nhân sự giữa các doanh nghiệp được mua bán, sáp nhập nhằm nhanh chóng hình thành hệ sinh thái hoàn chỉnh, gia tăng các giá trị sản phẩm – đặc biệt là các sản phẩm cốt lõi của tập đoàn: Bất động sản. Các lĩnh vực dịch vụ hay hàng tiêu dùng đang được định hình hệ sản phẩm và kỳ vọng đón đầu nhu cầu tiêu dùng sau dịch Covid-19. Chúng tôi chọn thời gian này để tái cấu trúc, hoàn thiện đội ngũ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bứt phá và tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nhưng hậu M&A chưa bao giờ là dễ dàng. Chính vì vậy, chúng tôi phải có sẵn các chiến lược, kế hoạch hoàn chỉnh, linh hoạt tìm hiểu thời cơ, triển khai giao dịch M&A, tiếp nhận và vận hành doanh nghiệp sau sáp nhập để giảm thiểu các xung đột và thúc đẩy các lợi ích khi kết hợp doanh nghiệp.
Các bạn có thắc mắc vui lòng để lại bình luận bên dưới, Ngô Bá Hưng sẽ phản hồi thông tin đến các bạn sớm nhất có thể. Đừng quên cùng Ngô Bá Hưng theo dõi trong loạt bài kế tiếp về M&A nhé!