Nhiều doanh nghiệp đã và đang chủ động hơn trong việc tái cấu trúc, mở rộng hệ sinh thái, tạo lập chuỗi giá trị mới thông qua hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A).
Những “cuộc lột” xác âm thầm
Lễ ký kết hợp tác ngày 4/11/2021 tại Pháp với Boskalis International (S) Pte Ltd – công ty thành viên của Tập đoàn Boskalis (Hà Lan) đã đánh dấu một chặng đường mới của Công ty cổ phần Tập đoàn TNT (TNT) và cá nhân ông Nguyễn Gia Long, người quay trở lại nắm vai trò điều hành doanh nghiệp từ tháng 4/2021 sau nhiều năm chuyển sang làm Chủ tịch MBLand.
Gần 8 tháng quay trở lại, dấu ấn mới của “người cũ” với TNT không chỉ ở việc giá cổ phiếu bứt phá mạnh mẽ, mà còn là câu chuyện về bơm vốn thay đổi chiến lược. Trong đó, TNT được định hướng chuyển sang mô hình holdings, tập trung vào hoạt động M&A các dự án bất động sản. Hoạt động kinh của doanh nghiệp có sự cải thiện rõ rệt từ quý III/2021 khi gần như xóa sạch các khoản nợ cũ và bắt đầu báo lãi trở lại.
Ông Long cho biết, TNT sẽ bổ sung mảnh ghép chiến lược quan trọng cho hệ sinh thái mà ông đang xây dựng. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường chứng khoán sôi động, TNT sẽ có thêm nhiều cơ hội trong việc huy động dòng vốn giá rẻ để phục vụ các kế hoạch phát triển dự án.
Trước đó, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và đô thị Vinaconex (Vinahud, mã chứng khoán VHD) ghi nhận những dấu ấn mới sau giai đoạn tái cấu trúc với sự trở lại của “người cũ”.
Cụ thể, đầu năm 2021, thị trường chứng kiến cuộc đổi chủ tại Vinahud khi Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thoái vốn, nhường “sân chơi” tại Vinahud cho sự trở lại của ông Trương Quang Minh (người từng có gần 2 năm làm thành viên Hội đồng quản trị Vinahud giai đoạn 2016 – 2017) và nhóm cổ đông mới tới từ R&H Group.
Ngoài thoái vốn tại các dự án trọng điểm cũ của Vinahud không khả thi như dự án CV4.4 (góp vốn với Công ty cổ phần Đầu tư Nhà Đất Việt từ năm 2007, nhưng chậm tiến độ hơn 14 năm), nhóm cổ đông mới đã lập hàng loạt kế hoạch cho Công ty thông qua việc tăng vốn và tìm kiếm dự án mới.
Đáng chú ý là kế hoạch mua lại cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Phú Hải, chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng Grand Mercure Hoian tại Quảng Nam.
Một trường hợp khác, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn để giải quyết những tồn đọng, đặc biệt là các khoản lỗ lũy kế kỷ lục sau giai đoạn khủng hoảng, nhưng những nét tươi mới đã xuất hiện tại Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF), sau khi ông Mai Hữu Tín về tiếp quản.
Bất chấp tình hình hoạt động sản xuất trong nước chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Tín chia sẻ, TTF đã và đang thực hiện được những bước đi nhằm tăng sự hiện diện của thương hiệu Gỗ Trường Thành tại nước ngoài, đồng thời nỗ lực cơ cấu hoạt động để tham gia đường đua kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế.
Kể từ đầu tháng 10/2021, TTF là một trong những cổ phiếu dậy sóng trên thị trường chứng khoán, nhất là sau khi thông tin Võ Quốc Lợi, thành viên Hội đồng quản trị mua vào 1 triệu cổ phiếu và đăng ký mua thêm 1,5 triệu cổ phiếu.
Vươn mình cùng chuỗi giá trị
Trong bối cảnh lãi suất thấp và tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp phải tìm các nguồn tăng trưởng thay thế, bao gồm M&A. Hoạt động này diễn ra ở cả doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn và doanh nghiệp quy mô lớn, thực hiện M&A như một chiến lược “thay máu” để vươn mình.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán NVL) chuyển mình từ nhà phát triển bất động sản thuần túy thành tập đoàn đa ngành. Bên cạnh việc chi hàng ngàn tỷ đồng để tăng quỹ đất tại các địa phương mới, lấn sân sang phát triển dự án nghỉ dưỡng, Novaland còn tiến hành các thương vụ M&A ở nhiều mảng khác như dịch vụ, tiêu dùng và công nghệ.
Mong muốn mở rộng của NovaGroup, như ông Nguyễn Thái Phiên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn nhiều lần chia sẻ tại Diễn đàn M&A thường niên do Báo Đầu tư tổ chức, là không dừng lại khi Tập đoàn vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội với các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) trong lĩnh vực công nghệ, có thể giúp tối ưu chi phí hoạt động. Ví dụ, những nhà máy thâm dụng lao động chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y của NovaGroup đang đứng trước thách thức thiếu lao động sau đại dịch và công nghệ có thể giải quyết bài toán này.
Tương tự Novaland, Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã chứng khoán BCG) trong vài năm qua đã M&A nhiều dự án để nhanh chóng xây dựng mảng kinh doanh chủ lực của mình là năng lượng tái tạo và bất động sản.
Tính tới cuối tháng 9/2021, Bamboo Capital đã công bố kế hoạch chi hơn 797 tỷ đồng nhằm thâu tóm 71% vốn Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA. Theo đó, tài chính sẽ là mảng kinh doanh chiến lược thứ 5 của Bamboo Capital, bên cạnh sản xuất, xây dựng, bất động sản và năng lượng tái tạo.
Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Bamboo Capital cho hay, Công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm các cơ hội đầu tư kinh doanh mới thông qua M&A, phù hợp với chiến lược phát triển đa ngành.
Thị trường M&A sôi động hơn khi xuất hiện động thái thâu tóm của doanh nghiệp nội với đối tác ngoại. Đơn cử, câu chuyện đổi chủ cho Emart Việt Nam của Emart Hàn Quốc là một ví dụ. Sau 4 tháng ký kết thoả thuận chuyển nhượng 100% vốn, ngày 27/9/2021, các bên đã hoàn tất giao dịch và Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) chính thức trở thành chủ sở hữu mới của Emart Việt Nam.
Triển vọng M&A trong “bình thường mới”
Theo một khảo sát của KPMG vào tháng 9/2021, 86% tổng giám đốc (CEO) được khảo sát cho rằng, M&A sẽ là động lực tăng trưởng chính trong 3 năm tới.
KPMG nhận định, các giao dịch M&A toàn cầu năm nay có thể đạt kỷ lục 6.000 tỷ USD, khi các doanh nghiệp tiếp tục hưởng lợi từ nguồn tài chính rẻ và kinh tế phục hồi.
Ông Stephen Bates, một lãnh đạo của KPMG và là người phụ trách giao dịch ở Singapore chia sẻ, ông không thấy dấu hiệu M&A sẽ chậm lại, mà ngược lại, rất sôi động, bởi có nhiều năng lượng bị dồn nén từ những đợt gây quỹ 2 – 3 năm trước. Áp lực tăng trưởng khiến các CEO đang tìm kiếm những thị trường khác để phát triển sản phẩm, bán hàng và bổ sung năng lực.
Tại Việt Nam, ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, tái cấu trúc đang thành chủ đề “nóng” trên sàn chứng khoán.
Trong giai đoạn bùng nổ của thị trường vừa qua, những doanh nghiệp có sức bật mạnh phần lớn đều là doanh nghiệp có thông tin về tái cấu trúc hay thay “máu” cổ đông. Điều này cho thấy, nhà đầu tư rất quan tâm và sẵn sàng đặt cược nhiều hơn vào những nét tươi mới từ hoạt động M&A.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Đầu tư Công ty Dragon Capital Vietnam, không phải những thương vụ M&A nào cũng có giá trị và câu chuyện hay để đầu tư. Điều đó còn phụ thuộc vào tầm nhìn và khả năng quản trị của lãnh đạo doanh nghiệp sau tái cấu trúc như thế nào.
“Chúng tôi đánh giá cao yếu tố quản trị doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp có khả năng quản trị tốt là doanh nghiệp mục tiêu để chúng tôi đầu tư và đi đường dài với nhau”, ông Điền nói.
Diễn đàn M&A lần thứ 13 – năm 2021 có chủ đề “Cơ hội trong thị trường bùng nổ/Time to strike”, sẽ thảo luận chuyên sâu các cơ hội khi Việt Nam đứng trước làn sóng M&A sôi động trở lại sau một thời gian dài bị dồn nén và đứt gãy bởi dịch bệnh. Với sự góp mặt của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp trong nước và quốc tế, Diễn đàn sẽ mang tới một bức tranh toàn cảnh về thị trường M&A cũng như dự báo những xu hướng M&A mới trong thời gian sắp tới.
Diễn đàn năm nay sẽ được tổ chức ngày 9/12/2021 bằng hình thức trực tiếp tại Khách sạn Mai House Saigon và trực tuyến qua nền tảng Zoom, đồng thời phát trực tiếp trên Fanpage và hệ thống báo điện tử của Báo Đầu tư.
Các bạn đọc có thắc mắc vui lòng để lại bình luận bên dưới, Ngô Bá Hưng sẽ phản hồi thông tin đến các bạn sớm nhất có thể. Đừng quên cùng Ngô Bá Hưng theo dõi những Tin Tức M&A hấp dẫn và hữu ích nhé!