Số lượng các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đang có xu hướng gia tăng và đa dạng theo các phân ngành. Song, xu hướng có bùng nổ giao dịch trong thời gian tới hay không còn phụ thuộc vào các thông tin kinh tế có lợi cho doanh nghiệp.
Ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc công ty Avalue Vietnam (AVM) nhận định: “M&A trong lĩnh vực công nghiệp tiếp tục tăng về số lượng và giá trị giao dịch của thương vụ”. Xu hướng này bắt nguồn từ sự phục hồi kinh tế và sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Thực tế trong năm 2010 đã chứng mình nhận định trên là đúng, khi số lượng các thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghiệp là rất lớn. Chưa có phân tích chi tiết đau là các thương vụ thuộc lĩnh vực công nghiệp (trong tổng số 354 thương vụ được công bố trên thị trường Việt Nam), nhưng nếu điểm tên các thương vụ này cho thấy tính đa dạng của các phân nhóm.
Theo danh sách thống kê chưa đầy đủ các thương vụ M&A do AVM công bố, tháng 3/2010, Tập đoàn Danieli (một trong những tập đoàn lớn nhất trên thế giới về sản xuất các nhà máy thép) đã mua 20% cổ phần của Tổng công ty Thép Việt Nam tại Công ty cổ phần Thép tấm miền Nam với trị giá 110 triệu USD (2.200 tỷ đồng). Trong lĩnh vực công nghiệp này, các thương vụ M&A còn được biết đến với thương vụ của Tổng công ty Thép Việt Nam và Công ty cổ phần Lilama Hà Nội (trị giá 579 tỷ đồng) vào tháng 4/2010; thương vụ giữa Tập đoàn Thép JFE (Nhật Bản) và Nhà máy Sản xuất ống thép xoắn Jeong An Vina tại Đồng Nai với trị giá 306 tỷ đồng vào tháng 11/2010…
Ở phân nhóm công nghiệp – năng lượng, tháng 6/2010, thương vụ Tập đoàn Masan mua 75% cổ phần (trị giá 2.600 tỷ đồng) của Quỹ đầu tư Dragon Capital tại Công ty liên doanh Nuiphaovica cũng là một trong những thương vụ đáng chú ý về giá trị giao dịch lớn trên thị trường Việt Nam. Tiếp theo là các thương vụ đáng chú ý như Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí bán cổ phần cho Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) trị giá 250 tỷ đồng vào tháng 8/2010; thương vụ Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí V.I.P và Công ty TNHH Vietnam Investment Partners có trị giá 126 tỷ đồng vào tháng 8/2010…
Ở phân nhóm công nghiệp – thực phẩm, một loạt thương vụ M&A cũng đã diễn ra trong năm 2010. Đơn cử, thương vụ giữa công ty cổ phần Đường Biên Hòa và Công ty TNHH Hải Vi có trị giá 525 tỷ đồng vào tháng 4/2010 được đánh giá là một trong những thương vụ lớn. Hay như thương vụ Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) bán nhà máy cà phê cho Công ty cổ phần Trung Nguyên với trị giá 800 tỷ đồng vào tháng 10/2010 cũng là thương vụ gây được sự chú ý tại Việt Nam. Liên quan đến phân nhóm này, còn một số thương vụ đáng chú ý như thương vụ giữa Vinamilk và Công ty TNHH Miraka (trị giá 467 tỷ đồng), thương cụ giữa Công ty cổ phần Kinh Đô và Công ty cổ phần Kinh Đô miền Bắc (trị giá 147,4 tỷ đồng), Công ty cổ phần Hùng Vương và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (trị giá 375 tỷ đồng).
Điểm qua một số thương vụ trong năm 2010 của lĩnh vực sản xuất công nghiệp cho thấy, số lượng các giao dịch M&A thuộc lĩnh vực này hết sức đa dạng. Phân tích của ông Đặng Xuân Minh cho thấy, sở dĩ có các thương vụ ở lĩnh vực công nghiệp, là do các doanh nghiệp đang nhìn thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng ấn tượng để sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp. Hơn nữa, với nền kinh tế đang được định hướng phát triển theo quy mô tăng trưởng xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu những mặt hàng chủ lực đang là đối tượng đáng chú ý.
Trung tuần tháng 5/2011, trong buổi họp báo công bố thông tin về Diễn đàn M&A 2011, các chuyên gia đã phân tích rằng, xu hướng mua lại doanh nghiệp sẽ đem đến lợi thế cho các doanh ngiệp là bớt đi được đối thủ cạnh tranh và có cơ hội khai thác được thị trường tốt hơn thông qua thị phần của các đối tác trong thương vụ M&A đó.
Điều này được áp dụng trong lĩnh vực công nghiệp (thông qua thực tế các giao dịch M&A trong năm 2010) sẽ giúp các doanh nghiệp có tham vọng bớt đi rất lớn phần công sức mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, cũng như mở rộng dây chuyền sản xuất.
Sản xuất công ngiệp được coi là xương sống của nền kinh tế. Do đó, các thương vụ M&A trong suốt thời gian qua xoay quanh lĩnh vự công nghiệp và xu hướng các thương vụ M&A diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực này là điều dễ dự đoán.
Tuy nhiên, yếu tố hỗ trợ giao dịch trong lĩnh vực công nghiệp vẫn phụ thuộc cơ bản vào các thông tin kinh tế vĩ mô và chính sách điều hành của Chính phủ. Lý do được đưa ra, theo nhận định của các chuyên gia, việc sản xuất công nghiệp đòi hỏi vốn lưu động rất lớn. Ở bối cảnh mà lãi suất vốn vay đang ở mức cao như hiện nay, việc mở rộng sản xuất – kinh doanh là bài toán khó với các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nếu các yếu tố đầu vào sản xuất như giá nguyên, vật liệu không thuận lợi, các doanh nghiệp sản xuất luôn đứng trước bài toán thu hẹp sản xuất để giảm thiểu rủi ro và chờ đợi chính sách mới. Do đó, nếu kinh tế vĩ mô không thuận lợi, bản thâm doanh nghiệp gặp khó khăn thi doanh nghiệp rất khó nghĩ tới phương án mở rộng, hay nói cách khác, rất khó nghĩ tới phương án đi mua doanh nghiệp khác.
Nguồn theo Kim Sơn
Các bạn có thắc mắc vui lòng để lại bình luận bên dưới, Ngô Bá Hưng sẽ phản hồi thông tin đến các bạn sớm nhất có thể. Đừng quên cùng Ngô Bá Hưng theo dõi trong loạt bài kế tiếp về M&A nhé!