Những thương vụ chuyển nhượng dự án bất động sản trong nửa đầu năm 2021 dù không nhiều sôi động nhưng vẫn là những con “sóng ngầm” ở nhiều phân khúc…
Bất chấp tình hình dịch bệnh phức tạp, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản vẫn như những con “sóng ngầm” ở nhiều phân khúc tại nhiều tỉnh, thành phố.
Những thương vụ ấn tượng
Mới nhất là thông tin công ty con của Vinhomes là Công ty cổ phần Phát triển Thành Phố Xanh đã chuyển nhượng xong 2 lô đất có diện tích hơn 7ha (thuộc một phần dự án có tên thương mại Vinhomes Grand Park tại TP. Thủ Đức, TP.HCM) cho Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Masterise Homes, thuộc Masterise Group.
Nhiều công ty khác đã thâu tóm các dự án bằng cách mua cổ phần, như: CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (An Gia) đang hoàn thiện pháp lý và lập quy hoạch tỷ lệ 1/2000 một quỹ đất đã mua xong của Công ty cổ phần Năm Bảy Bảy. Dự kiến, An Gia sẽ đưa ra thị trường 7.000 – 8.000 sản phẩm gồm căn hộ, shophouse, nhà phố thấp tầng vào nửa đầu năm 2022.
Thương vụ khác là Công ty cổ phần Địa Ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) đã nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 41% tại CTCP Đầu tư xây dựng Long An Idico (Long An Idico – sở hữu quỹ đất 130ha tại Long An), thông qua việc công ty thành viên công ty May Tiến Phát đã mua thành công 11% vốn của Long An Idico. TTC Land còn hợp tác với Tổng công ty Tín Nghĩa để phát triển một dự án mới tại khu vực TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với tổng quy mô hơn 160 ha.
Tại Bình Dương, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt đã thêm vào danh sách dự án đầu tư là chung cư Bình Dương Tower, quy mô hơn 4,5ha tại TP. Thuận An, Bình Dương khi hoàn tất mua vào 99,5% cổ phần của Công ty cổ phần Bất động sản Đầu tư và Phát triển cao ốc Bình Dương.
Trong khi đó, thị trường bất động sản công nghiệp cũng sôi động không kém với các thương vụ M&A cũng như gia tăng các diện tích đất công nghiệp mới.
Ghi nhận từ Savills Việt Nam cho thấy Công ty cổ phần Tập đoàn KCN Việt Nam đã mua lại quỹ đất rộng 250ha với vốn đầu tư 300 triệu USD. Công ty đặt mục tiêu phát triển các nhà máy và kho cho thuê phân khúc cao cấp, bền vững tại Việt Nam với danh mục đầu tư trải dài toàn quốc từ Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương đến Đồng Nai và Long An.
Công ty TNHH Boustead Projects cũng đã thâm nhập thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam với việc mua lại 49% cổ phần trong Công ty cổ phần Công Nghiệp Logistics KTG & Boustead tại khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) với giá 6,9 triệu USD. Sự hợp tác này sẽ mang tới cho Boustead Projects 03 bất động sản và KTG 10 bất động sản. Tổng giá trị tài sản của thương vụ lên tới 141 triệu USD, bao gồm 840.000m2 tổng diện tích đất, trong đó, có 550.000m2 diện tích đất cho thuê.
Săn tìm quỹ đất tốt
Sức hút của bất động sản công nghiệp Việt Nam đã “nóng” lên từ cuối năm 2020 cho đến nay vẫn chưa “nguội”. Điều này thể hiện ở nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn liên tục đổ vào các khu công nghiệp.
Theo số liệu trong 6 tháng đầu năm nay của Savills Việt Nam, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới đổ vào khu vực phía Bắc lên đến 1,97 tỷ USD (chiếm 64% thị phần), khu vực phía Nam với 728 triệu USD (tỷ lệ 23%), trong khi khu vực miền Trung thu hút 395 triệu USD (tỷ lệ 13%).
Ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam, cho biết, những nhà máy sản xuất có quy mô lớn nhất trong nửa đầu năm 2021 là được đầu tư bởi các nhà đầu tư đến từ Hồng Kông và Singapore.
Ví như Fukang Technology (Singapore) với 270 triệu USD tại Bắc Giang; Jinko Solar (Hồng Kông) với 498 triệu USD tại Quảng Ninh; Hay Công ty ESR Cayman Limited đã gia nhập thị trường Việt Nam bằng việc hợp tác với Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW để phát triển 240.000m2 diện tích bất động sản công nghiệp tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 4, gần TP.HCM.
Thống kê của JLL Việt Nam cho thấy, đã có khoảng 4 tỷ USD từ các nhà đầu tư ngoại “rót” vào các dự án nhà xưởng, kho bãi tại Việt Nam tính đến thời điểm này.
Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam của JLL cho biết, các nhà đầu tư Keppel Land, Capital Land, Gamuda… đang có sự mở rộng qua mảng khu công nghiệp, logisitics, dù trước đó họ tập trung đầu tư ở mảng thương mại, nhà ở.
Sự chuyển hướng này cũng đến từ công ty trong nước. Đơn cử, Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup đang đẩy mạnh sở hữu mảng bất động sản công nghiệp khi nắm trong tay 02 khu công nghiệp tại Hải Phòng, gồm: Nam Tràng Cát (200ha) và Thủy Nguyên (319ha). Đặc biệt, tập đoàn này cũng đã thành lập Vinhomes IZ – công ty con phụ trách bất động sản công nghiệp.
Ở các dự án nhà ở thương mại, để phát triển quỹ đất cho các năm tiếp theo, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) cũng sẽ bổ sung thêm 10.000ha đất, nâng tổng quỹ đất lên 15.000ha đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu, theo ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc tài chính Novaland, tập đoàn sẽ thực hiện chiến lược M&A để gia tăng quỹ đất tại các địa phương, như Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định…
Còn đối với An Gia, ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, cho biết: công ty từng công bố sẽ chi 3.000 – 5.000 tỷ đồng để tìm kiếm quỹ đất làm dự án trong 3 năm tới thông qua M&A. Tuy nhiên, An Gia sẽ thận trọng chọn lựa dự án tốt, phù hợp với quy mô của mình.
Các bạn đọc có thắc mắc vui lòng để lại bình luận bên dưới, Ngô Bá Hưng sẽ phản hồi thông tin đến các bạn sớm nhất có thể. Đừng quên cùng Ngô Bá Hưng theo dõi trong loạt bài kế tiếp về M&A nhé!