Siêu thị FujiMart thuộc FujiMart Vietnam Retail LLC – “đứa con chung” của Tập đoàn BRG và Sumitomo Corporation
Thời gian gần đây, Bộ Công Thương đã tiếp nhận loạt hồ sơ tập trung kinh tế giữa các doanh nghiệp bất động sản, trong lĩnh vực trung tâm thương mại, khu công nghiệp, logistics…
Vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (VCCA) đã đăng tải thông tin về một số thương vụ tập trung kinh tế (TTKT) trong thời gian gần đây giữa các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Đầu tiên là thông tin về việc TTKT giữa Công ty TNHH Vận hành Vincom Retail và Công ty TNHH Vincom Retail miền Nam. Đây là hai doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, cụ thể là trung tâm thương mại.
Theo đó, ngày 7/9, Bộ Công Thương đã ra thông báo việc TTKT giữa Công ty TNHH Vận hành Vincom Retail và Công ty TNHH Vincom Retail miền Nam không thuộc trường hợp bị cấm và được làm thủ tục TTKT theo quy định.
Hồ sơ thông báo TTKT cho thấy, Công ty TNHH Vincom Retail miền Nam dự kiến sáp nhập vào Công ty TNHH Vận hành Vincom Retail. Sau khi hoàn thành giao dịch TTKT, sẽ chấm dứt hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Vincom Retail miền Nam. Toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của Công ty TNHH Vincom Retail miền Nam sẽ được chuyển sang Công ty TNHH Vận hành Vincom Retail.
Giao dịch nói trên được xác định là TTKT theo hình thức sáp nhập theo quy định tại khoản 2, Điều 29 Luật Cạnh tranh.
Cũng trong tháng 9, Bộ Công Thương đã thông báo việc TTKT giữa Công ty Liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP), CTCP Đô thị AMATA Biên Hòa (Amata Biên Hòa) và Sumitomo Corporation (Nhật Bản).
Theo đó, VSIP, Amata Biên Hòa và Sumitomo Corporation có kế hoạch thành lập Công ty TNHH hai thành viên trở lên (công ty liên doanh) để cùng nhau hợp tác đầu tư, xây dựng và phát triển và vận hành một khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
VCCA cho biết, VSIP và Amata Biên Hòa hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, kinh doanh các dự án phát triển khu công nghiệp. Còn Sumitomo Corporation là tập đoàn lớn của Nhật Bản có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực gồm khu công nghiệp, kinh doanh logistics, ô tô, thép, sản xuất hàng may mặc, nông nghiệp,… bao gồm cả phát triển và quản lý bất động sản, điều phối và vận hành các dự án đô thị và khu công nghiệp.
Trước đó, ngày 12/8, trên cơ sở các quy định hiện hành của pháp luật cạnh tranh, Bộ Công Thương cũng đã thông báo về việc tập trung kinh tế giữa CTCP Bất động sản Việt – Nhật, CTCP Tân Trung Sơn và Công ty TNHH Tân Trung Sơn BR.
Theo hồ sơ thông báo TTKT, Tân Trung Sơn dự kiến chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty TNHH Tân Trung Sơn BR cho CTCP Bất động sản Việt – Nhật. Sau khi hoàn thành giao dịch, CTCP Bất động sản Việt – Nhật sẽ sở hữu trực tiếp 100% vốn điều lệ và nắm quyền kiểm soát, chi phối Công ty TNHH Tân Trung Sơn BR.
VCCA xác định, giao dịch nói trên là TTKT theo hình thức mua lại theo quy định tại khoản 4, Điều 29 Luật Cạnh tranh. Các doanh nghiệp tham gia giao dịch này đều kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản trung tâm thương mại.
Nhận định về hoạt động M&A (mua lại và sáp nhập) bất động sản tại Việt Nam, bà Lê Phương Lan, Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư, Savills Hà Nội cho biết, thị trường này đã phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Trong đó, đa số các thương vụ thành công là giữa các nhà đầu tư trong nước, tiếp đến là các nhà đầu tư nước ngoài đã hiện diện và hoạt động tại thị trường.
Bà Lan phân tích, trước đây, các nhà phát triển bất động sản trong nước có xu hướng tự xin cấp phép và thực hiện dự án; các thương vụ M&A chủ yếu thuộc về nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm lại từ các nhà phát triển dự án trong nước. Tuy nhiên hiện nay, khi quy mô thị trường lớn hơn, nguồn lực tài chính, bộ máy của doanh nghiệp trong nước mạnh hơn thì M&A là cách họ lựa chọn để nhanh chóng mở rộng quỹ đất và hoạt động kinh doanh.
Chuyên gia Savills cho biết, dù trong đại dịch, làn sóng M&A dự án giữa các doanh nghiệp bất động sản trong nước vẫn có những diễn biến đáng chú ý. Trong quý II vừa qua, một số thương vụ M&A nổi bật như: CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt mua lại 99,5% cổ phầnCTCP Bất động Sản Đầu tư và Phát triển Cao ốc Bình Dương để sở hữu dự án Bình Dương Tower, thương vụ Tập đoàn Ô tô Trường Hải mua lại chuỗi bán lẻ E-Mart Việt Nam, thương vụ hợp tác giữa Becamex IDC và Central Retail Vietnam phát triển Trung tâm thương mại GO! tại Bình Dương…
Các bạn đọc có thắc mắc vui lòng để lại bình luận bên dưới, Ngô Bá Hưng sẽ phản hồi thông tin đến các bạn sớm nhất có thể. Đừng quên cùng Ngô Bá Hưng theo dõi những Tin Tức M&A hấp dẫn và hữu ích nhé!