Vừa qua, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần GTNFoods (mã chứng khoán GTN) đã có Nghị quyết về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua phương án sáp nhập Công ty cổ phần GTNFoods vào Tổng công ty chăn nuôi Vilico (mã chứng khoán VLC).
Được biết, nguyên nhân GTN phải thực hiện việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản là do thực hiện ý kiến và quyết định của Ủy ban chứng khoán về việc đảm bảo công bố thông tin đúng quy định. Trước đó, vào tháng 3/2021, GTN đã tổ chức Đại hội đồng cổ đồng nhằm thông qua phương án sáp nhập và một số nội dung khác. Tuy nhiên, do việc thực hiện công bố thông tin không đúng quy định cũng như vấn đề tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu và một số vấn đề tuân thủ khác, cổ đông của công ty đã có đơn thư gửi Ủy ban chứng khoán.
Sau khi xem xét đơn thư, Ủy ban chứng khoán xác định công ty chưa tuân thủ quy định về công bố thông tin một số tài liệu Đại hội cũng như các tài liệu liên quan đến việc sáp nhập với VLC. Vì việc này, công ty bị xử phạt 70 triệu đồng và do đó, tổ chức lại việc thông qua Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông đúng quy định.
Trở lại việc lấy ý kiến cổ đông, công ty đề nghị cổ đông thông qua phương án sáp nhập vào VLC bằng hình thức phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần, thông qua Báo cáo tài chính đã kiểm toán 2020. Ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền là ngày 5/11, thời hạn chốt nhận phiếu ý kiến, phiếu biểu quyết trước 16h ngày 25/11.
Trong phương án sáp nhập, công ty cho rằng việc sáp nhập có nhiều ưu điểm như tái cấu trúc các công ty trong tập đoàn, làm gọn nhẹ bộ máy, tập trung nguồn lực để phát triển, tăng quy mô vốn, giảm chi phí cố định để tăng hiệu quả hoạt động. VLC sẽ phát hành hơn 156 triệu cổ phần để hoán đổi cổ phiếu GTN, tỷ lệ hoán đổi là 1,6:1. Tuy nhiên, trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông lần này, GTN không trình bày cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý của việc lựa chọn tỷ lệ hoán đổi cổ phần 1,6:1, không đề cập đến chứng thư thẩm định giá còn giá trị, vấn đề tài sản 2 doanh nghiệp…
Liên quan đến vấn đề sáp nhập, cổ đông của GTN cũng có đơn kiến nghị gửi tới SCIC và cơ quan quản lý Nhà nước đề nghị xem xét, can thiệp dừng việc sáp nhập giữa GTN và VLC, kiểm tra tính hợp pháp của tỷ lệ hoán đổi cổ phần của 2 công ty nhằm tránh gây thiệt thòi cho các cổ đông trong đó có cổ đông nhà nước. Cổ đông khẳng định tôi không phản đối chủ trương sáp nhập nếu như việc sáp nhập là hợp tình, hợp lý, hợp pháp, mang lại sự phát triển bền vững thịnh vượng cho công ty.
GTN đang nắm giữ lượng cổ phần lớn ở 3 DN đầu ngành là Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea), Tổng côngty Chăn nuôi (Vilico) và Ladofoods. Đặc biệt Tổng côngty Chè Việt Nam không chỉ là DN số 1 trong ngành chè Việt Nam mà còn quản lý và sử dụng một lượng khổng lồ các tài sản đất đai, bất động sản đứng tên Vinatea và các công ty con, công ty liên kết (chỉ tính riêng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Yên Bái, Sơn La là 3.544 hecta, trong đó có xấp xỉ 134.829 m2 đất xây dựng cơ bản và 3.530,6 ha đất phục vụ sản xuất nông nghiệp). Ladofoods không chỉ nổi tiếng với thương hiệu Vang Đà Lạt là thương hiệu rượu vang số 1 Việt Nam mà còn quản lý và sử dụng nhiều lô đất lớn. GTN là công ty mẹ của VLC, không chỉ thông qua VLC để sở hữu gián tiếp Công ty cổ phần Sữa Mộc Châu (mã chứng khoán MCM) mà còn trực tiếp nắm giữ lượng lớn cổ phiếu của Sữa Mộc Châu.
Trong khi đó, VLC là công ty con của GTN và chỉ hoạt động trong lĩnh vực hẹp là chăn nuôi, hoạt động của VLC phụ thuộc chủ yếu vào tình hình kinh doanh của Sữa Mộc Châu.
Các bạn đọc có thắc mắc vui lòng để lại bình luận bên dưới, Ngô Bá Hưng sẽ phản hồi thông tin đến các bạn sớm nhất có thể. Đừng quên cùng Ngô Bá Hưng theo dõi những Tin Tức M&A hấp dẫn và hữu ích nhé!