Nối tiếp khối bảo hiểm phi nhân thọ, hiện nay các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng bắt đầu rục rịch bán vốn và “mở toang” cửa cho khối ngoại. Giới phân tích nhận định làn sóng M&A lĩnh vực bảo hiểm sẽ sôi động trong năm 2023.
Tính đến cuối năm 2022, trong số ba doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần lớn nhất Việt Nam là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Bảo Việt, Bảo Minh thì PTI đã hoàn tất việc thoái hết vốn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cho nhóm nhà đầu tư VNDirect. Ngay sau khi thoái hết vốn của VNPost, PTI đã thông qua kế hoạch nới 100% room cho nhà đầu tư nước ngoài, bởi trước đó doanh nghiệp này đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép nới room khối ngoại tối đa vì lĩnh vực bảo hiểm thuộc 1 trong 59 ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Không chỉ PTI, đầu năm 2022, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cũng đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận phương án nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100%. Điều này có nghĩa là cơ hội mua lại phần vốn Nhà nước tại PJICO đang khá rộng mở, chỉ còn trông chờ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) bắt đầu thông báo thoái vốn.
Trước PTI và PJICO, cả hai hãng bảo hiểm nhân thọ lớn là Bảo Việt (BVH) và Bảo Minh (BMI) cũng đã từng là tâm điểm của thị trường mua bán, sáp nhập lĩnh vực bảo hiểm. Bởi cuối tháng 10/2021, sau khi Bộ Tài chính có văn bản chỉ đạo SCIC thoái vốn tại hai doanh nghiệp này, các nhà đầu tư nước ngoài đều hết sức quan tâm.
Sau khi thông tin thoái vốn được công bố, các mã cổ phiếu BVH, BMI của Bảo Việt và Bảo Minh liên tục tăng trong các phiên tháng 10-11/2021. Thậm chí cổ phiếu BMI còn thiết lập mức đỉnh 48.900 đồng/cổ phiếu vào phiên giữa tháng 11/2021. Tuy nhiên, kế hoạch của SCIC trễ hẹn, các cổ phiếu kể trên chỉ tăng lại từ cuối tháng 1/2022, khi lãnh đạo SCIC cho biết cơ quan này đã hoàn thành mọi quy trình và báo cáo Bộ Tài chính về việc thoái vốn tại Bảo Việt và Bảo Minh.
Được biết, hiện tại BMI đã thông qua kế hoạch nới room ngoại lên 100% nhằm mở đường cho việc thoái toàn bộ vốn nhà nước. Hiện tại, Tập đoàn AXA của Pháp và một số cổ đông lớn nước ngoài đang sở hữu trên 20% vốn tại Bảo Minh. Nếu trong năm 2023, nguồn vốn của BMI được chuyển nhượng thành công cho nhà đầu tư ngoại, đây sẽ là thương vụ đầu tiên một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có sự tham gia với quyền chi phối vốn của doanh nghiệp nước ngoài.
Trong năm 2022 lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A đình đám, thâu tóm 100% cổ phần của các đối tác nước ngoài. Theo đó, Manulife mở màn với việc mua lại toàn bộ cổ phần của Tập đoàn Aviva Plc tại Aviva Việt Nam. CTCP Tasco cũng đã nhận chuyển nhượng 100% phần vốn góp của Công ty TNHH Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam từ Tập đoàn Groupama Assurances Mutuelles.
Những tháng đầu năm 2023, theo giới quan sát, lĩnh vực bảo hiểm sẽ còn có nhiều thương vụ M&A khi một số thương vụ đang được đàm phán, đơn cử như thương vụ mua 87% vốn Bảo hiểm OPES của VPBank và thương vụ đầu tư 1.600 tỷ đồng mua vốn Bảo hiểm PTI của Tập đoàn Đầu tư IPA.
Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, trong các tháng đầu năm 2023 hoạt động M&A trong lĩnh vực bảo hiểm sẽ phát triển mạnh. Việc nhiều hãng bảo hiểm phát tín hiệu mở hết room cho cổ đông nước ngoài sẽ khai mào cho các thương vụ M&A có giá trị hàng nghìn tỷ đồng, với sự tham gia vốn lớn từ các hãng bảo hiểm nước ngoài như: Sumitomo, HDI Global SE, Samsung Fire, DongBu, Fairfax, Metlife…
Thực tế các động thái trên thị trường từ giữa năm 2022 đến nay cho thấy rằng, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm có kế hoạch bán vốn như AAA, Bảo Việt, Bảo Minh, Fubon Việt Nam đều đã và đang có những biến động nhân sự cấp cao chuẩn bị cho các chiến lược kinh doanh mới.
Hiện trên thị trường, nhóm các cổ đông nước ngoài, như: Bảo hiểm DB (Hàn Quốc), Bảo hiểm HDI Global SE (CHLB Đức), Quỹ Funderburk Lighthouse Ltd, Tập đoàn AXA, Sumitomo, Samsung Fire & Marine Insurance Company Ltd… đều đang là những cổ đông nắm giữ tỷ lệ vốn khá lớn tại các hãng bảo hiểm PTI, Bảo Việt, Bảo Minh và PJICO. Chính vì vậy, rất có thể ngay khi hoạt động bán vốn được các hãng bảo hiểm trong nước triển khai, nhiều thương vụ M&A lớn sẽ được kích hoạt, thay đổi diện mạo, thứ hạng và thị phần ngành bảo hiểm trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Các bạn đọc có thắc mắc vui lòng để lại bình luận bên dưới, Ngô Bá Hưng sẽ phản hồi thông tin đến các bạn sớm nhất có thể. Đừng quên cùng Ngô Bá Hưng theo dõi những Tin Tức M&A hấp dẫn và hữu ích nhé!